Trong y học Lửng lợn Đông Dương

Trong y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian, lửng lợn được dùng với tên thuốc là suyền hay chuyên gồm các bộ phận: thịt, xương, mỡ và mật[5].

  • Thịt lửng lợn (suyền nhục) có vị chua, ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng bổ tỳ vị, lợi thũng, giảm ho, chữa hư lao, gầy yếu, ho khan, kiết lỵ lâu ngày, thủy thũng, trẻ em cam tích.
  • Xương lửng lợn (suyền cốt) có vị cay, chua, tính ấm chữa tê thấp, gân xương đau buốt, chân tay tê mỏi, lở ngứa do thấp nhiệt. Đem xương ngâm nước ấm trong nhiều giờ hoặc luộc qua rồi róc hết thịt, gân màng còn bám vào. Chặt nhỏ, phơi hoặc sấy, sao cho vàng giòn, tán bột. Lấy 100g bột ngâm với một lít rượu.
  • Mỡ lửng lợn (suyền cao) có vị ngọt, tính bình, có tác dụng làm se, chữa bỏng (bỏng lửa và bỏng nước), nứt nẻ gót chân (nhất là về mùa đông), chốc lở. Thái mỡ lá thành từng miếng mỏng, đun cho chảy. Để nguội, dùng bôi nhiều lần trong ngày. Ngoài ra, ở một vài địa phương, nhân dân còn dùng mật lửng lợn để điều trị bệnh như mật gấu và gọi lửng lợn là gấu lợn.